Khóa tập huấn được thiết kế phù hợp với Khung quản trị khủng hoảng của KDIC với tên gọi “Phương pháp can thiệp sớm KDIC” - đề cao sự chủ động và các biện pháp dự phòng nhằm ứng phó khủng hoảng. Mục đích của phương pháp này chính là thiết lập cơ sở dữ liệu một nguồn nhân lực có chuyên môn, bao gồm cả nhân sự đương nhiệm lẫn cán bộ hưu trí, luôn sẵn sàng vào vị trí được chỉ định trước trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
KDIC nhận thấy nếu xảy ra tình huống mất khả năng chi trả quy mô trên phạm vi rộng, để nhanh chóng ổn định lại hệ thống tài chính, ngăn ngừa rút tiền hàng loạt sẽ cần tới nguồn nhân lực đáng kể. Do đó, cơ quan này đã thiết lập kế hoạch huy động nhân sự cho các trường hợp khẩn cấp với nhiều kịch bản khác nhau. Qua đó, nguồn nhân lực hữu hiệu, bao gồm cả các cựu cán bộ, nhân viên KDIC có thể nhanh chóng tham gia xử lý tình huống khẩn cấp.
Dựa trên kế hoạch đã đề ra, khoảng 100 cán bộ hưu trí tại KDIC đã nghỉ hưu từ năm 2010 tới nay được huy động và tham gia tập huấn thực hành.
Để chủ động đối phó với môi trường tài chính đang thay đổi một cách nhanh chóng, KDIC cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn thực hành cũng như tổ chức diễn tập chung với các tổ chức có liên quan.