Đại diện LPS cho biết, quyết định được đưa ra trên cơ sở các chỉ báo tăng trưởng kinh tế, chất lượng thanh khoản của các ngân hàng, tỷ giá hối đoái của đồng rupiah và dòng vốn nước ngoài đang đổ vào thị trường tài chính Indonesia. Tháng 3 năm nay, lãi suất tiền gửi được bảo hiểm cũng đã từng giảm 0,25%.
Lãi suất tiền gửi được bảo hiểm do LPS đưa ra là tấm gương phản chiếu lãi suất của các ngân hàng. Mức lãi suất tiền gửi được bảo hiểm được tính toán dựa trên số liệu lãi suất của 58 ngân hàng, cân nhắc trong tương quan với chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Indonesia và lãi suất USD do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố. Khi lãi suất huy động của các ngân hàng có biến động, mức lãi suất tiền gửi được bảo hiểm do LPS quyết định cũng sẽ có điều chỉnh.
Theo chính sách của LPS, ngoài hạn mức tiền gửi được bảo hiểm, lãi suất tiền gửi được bảo hiểm cũng là một công cụ nhằm đảm bảo kỷ luật thị trường và hạn chế rủi ro đạo đức. Các khoản tiền gửi có lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và người gửi tiền cao hơn lãi suất tiền gửi được bảo hiểm do LPS công bố sẽ không được bảo hiểm. Do đó, LPS yêu cầu các ngân hàng phải thông báo một cách rõ ràng cho người gửi tiền về lãi suất tiền gửi được bảo hiểm hiện đang được áp dụng.
Ngay sau khi LPS công bố quy định mới về lãi suất tiền gửi được bảo hiểm, nhiều ngân hàng cho biết sẽ cân nhắc hạ lãi suất huy động tiền gửi xuống mức phù hợp.